Trong chương trình dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản và tiến hành các hoạt động song phương tại Nhật Bản, sáng 16/12, tại thủ đô Tokyo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản với chủ đề “Quan hệ kinh tế trong Kỷ nguyên mới - Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới.”
Tại diễn đàn, lãnh đạo các bộ, tổ chức và doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao tốc độ tăng trưởng cao với chính sách phù hợp, thị trường lớn và nguồn nhân lực ưu tú của Việt Nam; cho biết với quan điểm Đối tác đồng sáng tạo kinh tế và xã hội tương lai, Nhật Bản sẽ tập trung hợp tác, đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực, nhất là công nghiệp tương lai, giảm phát thải carbon…
Diễn đàn cũng nghe đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản trình bày những định hướng, đề xuất hợp tác, đầu tư về Phát triển Xanh, Chuyển đổi Số tại Việt Nam thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại diễn đàn kinh tế Việt Nam - Nhật Bản. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong năm 2023 - kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, gần 500 hoạt động ý nghĩa đã được tổ chức ở cả Việt Nam và Nhật Bản, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác và làm sâu sắc tình cảm hữu nghị, sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước.
Đặc biệt, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vừa kết thúc thành công chuyến thăm chính thức Nhật Bản, cùng Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tuyên bố nâng cấp quan hệ hai nước lên “Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới,” mở ra một trang sử mới trong quan hệ hợp tác hữu nghị Việt-Nhật phát triển mạnh mẽ, hiệu quả trên mọi lĩnh vực và mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, trải qua 50 năm vun đắp và xây dựng, quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Nhật Bản, tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức rất cao.
Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ hai về hợp tác lao động, đứng thứ ba về hợp tác đầu tư và du lịch, đứng thứ tư về hợp tác thương mại. Hai nền kinh tế có tính bổ trợ, bổ sung cho nhau cùng phát triển.
Về đầu tư, với trên 5.200 dự án và hơn 71,5 tỷ USD vốn đăng ký, các nhà đầu tư Nhật Bản đã có mặt tại hầu hết các địa phương của Việt Nam, tham gia nhiều dự án mang tính chiến lược trong một số lĩnh vực trọng điểm như sản xuất, công nghiệp chế biến, chế tạo; linh kiện điện tử; nghiên cứu và phát triển; tài chính; đặc biệt đối với các lĩnh vực mới công nghệ sinh học; công nghệ lượng tử; trí tuệ nhân tạo (AI); y tế thế hệ mới.
Về thương mại, kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 40 tỷ USD trong 11 tháng năm 2023, trong đó nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt gần 20 tỷ USD. Nhật Bản là đối tác đã ký kết nhiều FTA song phương và đa phương nhất với Việt Nam, tạo nền tảng quan trọng góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại đầu tư giữa hai nước trên tinh thần hai bên cùng có lợi, bổ trợ lẫn nhau.
Đặc biệt, có trên 500.000 người Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc tại Nhật Bản và 22.000 người Nhật Bản làm việc, sinh sống, học tập tại Việt Nam.
Về các yếu tố nền tảng thúc đẩy phát triển của Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục thúc đẩy phát triển dựa trên 3 trụ cột là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; 3 đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, gồm cả hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa…
Việt Nam đang nỗ lực xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng; xác định lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, là nguồn phát triển; không hy sinh tiến bộ và công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; với mục tiêu phát triển chiến lược đến năm 2030 trở thành quốc gia đang phát triển, có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong số đó, lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá.
Việt Nam tiếp tục đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; kiên trì chính sách quốc phòng “bốn không;” thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hóa, là bạn, đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, theo hướng “dân tộc, khoa học, đại chúng”, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa soi đường cho quốc dân đi.
Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, tạo sự kết nối lan tỏa giữa khu vực Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và khu vực kinh tế trong nước; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ Kinh tế số, Kinh tế Xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
Cụ thể, ưu tiên các dự án như công nghệ cao, điện tử, bán dẫn, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydrogen), trung tâm tài chính quốc tế, thương mại dịch vụ hiện đại, xây dựng kết cấu hạ tầng, nghiên cứu và phát triển... để tạo động lực giúp cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự diễn đàn kinh tế Việt Nam - Nhật Bản. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sau gần 4 thập kỷ đổi mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng có ý nghĩa lịch sử. Quy mô nền kinh tế đạt 409 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người trên 4.100 USD (năm 2022).
Nằm trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, xếp thứ 32 trong top 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới; top 20 nước dẫn đầu về kim ngạch thương mại (năm 2022 đạt 732,5 tỷ USD); đã ký kết 16 Hiệp định Thương mại Tự do, trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng.
Việt Nam đã có quan hệ Đối tác Chiến lược và Đối tác Chiến lược Toàn diện với 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Năm 2023, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả đáng khích lệ; tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có nhiều điểm sáng trên các lĩnh vực với kết quả “tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước.” Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên.
Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh, bền vững; tập trung phát triển những lĩnh vực mới nổi, xu thế của thế giới như đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi số, Kinh tế Xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ. Trong quá trình đó, tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội…
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, việc Việt Nam và Nhật Bản nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện là nền tảng chính trị quan trọng để tiếp tục mở rộng không gian hợp tác trong những lĩnh vực mới mà hai bên có thế mạnh.
Việt Nam cần phía Nhật Bản tiếp tục hợp tác, hỗ trợ trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; hỗ trợ về tài chính với lãi suất ưu đãi; hỗ trợ về chuyển giao công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại; góp ý xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị phía Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và Việt Nam sẽ cung ứng nguồn nhân lực cho các đối tác. Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác giữa các địa phương; thúc đẩy giao lưu nhân dân và hợp tác văn hóa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đến đầu tư và thành công tại Việt Nam, thu được kết quả ngày càng cao hơn, thành công của nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam.
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương Việt Nam-Nhật Bản chứng kiến lễ trao 30 thỏa thuận hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp hai nước trên các lĩnh vực phát triển hạ tầng khu công nghiệp, đô thị, trung tâm thương mại, sản xuất hydro xanh, sản xuất pin, năng lượng, tài chính, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực… như đầu tư Dự án Điện khí tại Thái Bình trị giá gần 2 tỷ USD; các thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Sungroup với các đối tác Nhật Bản đầu tư xây dựng tại Khu Kinh tế Vân Phong, Khánh Hòa; Thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn FPT với các đối tác Nhật Bản về Chuyển đổi Số, đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực vận chuyển và logistics; Thỏa thuận giữa Ngân hàng Vietinbank với đối tác về tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện Chuyển đổi Xanh, Chuyển đổi Số, đổi mới sáng tạo./.