Những mối lo ngại của Premier League thời hậu Brexit
Premier League là giải đấu có thỏa thuận phát sóng sinh lợi cao nhất trong tất cả các giải vô địch quốc gia (VĐQG) hàng đầu châu Âu, nhờ vào lượng khán giả đông đảo của các CLB như Manchester United, Chelsea, Liverpool, Arsenal,… không chỉ trong phạm vi nước Anh mà còn trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, Premier League cũng là giải có số lượng cầu thủ ngoại cao nhất châu Âu với tỷ lệ trung bình lên tới 65%.
Tuy nhiên, vị thế của bóng đá Anh nhiều khả năng sẽ bị giảm sút đáng kể nếu các ngôi sao châu Âu bị lôi cuốn bởi các CLB hàng đầu ở các giải VĐQG khác, điều này có thể sẽ làm cắt giảm đáng kể giá trị các gói bản quyền truyền hình trong tương lai, sau khi gói bản quyền hiện tại trị giá tám tỷ bảng Anh (10,5 tỷ USD) kết thúc. Các cầu thủ trong khối liên minh được phép vào Vương quốc Anh theo luật tự do di chuyển của EU. Trong khi đó, các vận động viên (VĐV) từ các quốc gia khác buộc phải tuân thủ tiêu chí trình độ cao, bao gồm các tiêu chí đánh giá về tuổi tác cũng như số lần chơi cho đội tuyển quốc gia của họ.
Premier League đang vận động Chính phủ của Thủ tướng May để cho phép một hệ thống mở và các CLB có thể ký kết với tối đa 25 cầu thủ trong đội hình một, trong đó phải bao gồm ít nhất tám cầu thủ trưởng thành từ các lò đào tạo trẻ trong phạm vi Vương quốc Anh.
Theo Chủ tịch CLB Stoke City Peter Coates, Brexit thực sự là mối lo ngại với các đội bóng. Stoke là CLB sở hữu nhiều cầu thủ quốc tế, mới đây nhất họ chiêu mộ tân binh người Áo Kevin Wimmer trong kỳ chuyển nhượng mùa hè vừa qua. “Mọi việc trong Brexit đều như vậy, không ai dám chắc điều gì sẽ tới. Tôi vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía Chính phủ dù rằng Premier League rất mong chờ nhận được thông tin”, ông Peter Coates chia sẻ.
Thời kỳ hậu Brexit
Nếu theo quy định hiện hành áp dụng cho các VĐV ngoài EU, hai cầu thủ người Pháp Riyad Mahrez và N’Golo Kante, những nhân tố quan trọng giúp CLB Leicester City giành chức vô địch năm 2016, sẽ không được chấp thuận vào Vương quốc Anh thời hậu Brexit.
Riyad Mahrez là một trong những mắt xích quan trọng nhất giúp Leicester City lên ngôi vô địch mùa 2015-2016. (Ảnh: Getty Images)
Chính phủ muốn phát triển hệ thống nhập cư nhằm mang lại ích lợi tốt nhất cho đất nước và dự định đưa ra đề xuất cho chính sách mới vào mùa thu, một phát ngôn viên cho hay. “Chúng tôi nhận thức rõ tầm quan trọng của thể thao đối với quốc gia cũng như những đóng góp của các tài năng quốc tế. Chúng tôi đang thảo luận với các đại diện của ngành thể thao, bao gồm cả Premier League, về những thách thức và cơ hội mà Brexit mang lại”.
Trong kỳ chuyển nhượng mùa hè vừa qua, các CLB của Anh đã chi ra số tiền kỷ lục là 1,4 tỷ bảng, phần lớn cho các cầu thủ từ các CLB khác ở châu Âu như Álvaro Morata từ Real Madrid đến Chelsea với giá 58 triệu bảng hay Tottenham Hotspur chiêu mộ hậu vệ phải người Bờ Biển Ngà Serge Arier của Paris Saint-Germain với giá 23 triệu Bảng.
Kỳ chuyển nhượng mùa hè 2017 chứng kiến việc các CLB của Anh phải ra chi số tiền nhiều hơn tới 105 triệu Bảng so với những gì họ chỉ phải trả trước cuộc trưng cầu dân ý về Brexit hồi tháng 6-2016 do sự mất giá của đồng bảng so với đồng euro, theo Open Britain, nhóm có tư tưởng thân EU và hiện đang vận động để có được mối quan hệ gần gũi hơn giữa Anh và Liên minh châu Âu.
Bản truyền hình và việc ký kết hợp đồng
Dù vậy, 20 CLB của Premier League vẫn đang thu về số tiền lớn chưa từng có từ gói bản quyền phát sóng kéo dài ba năm vừa mới được kích hoạt. Các hợp đồng truyền hình mới này giúp các đội bóng thu về hơn 50% lợi nhuận so với hợp đồng trước đây.
Cũng bởi lợi nhuận cực lớn từ bản quyền truyền hình nên bóng đá Anh vẫn thu hút những ngôi sao hàng đầu châu Âu, bởi ở đây họ nhận được mức lương cao hơn hẳn so với các giải VĐQG khác dù bất chấp sự mất giá của đồng Bảng Anh. Nhưng điều này nhiều khả năng có thể sẽ thay đổi trong tương lai thời kỳ hậu Brexit với những điều luật kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các cầu thủ bóng đá.
Đối với các cầu thủ nằm ngoài EU, việc kiểm soát vốn đã rất nghiêm ngặt. Trong kỳ chuyển nhượng mùa hè vừa qua, Andrew Osborne của công ty luật Lewis Silkins đã hướng dẫn để xin giấy phép lao động cho 15 cầu thủ ngoài Liên minh châu Âu. Luật sư này cũng cho biết thêm, sau khi xem xét kỹ lưỡng các trường hợp, ông kết luận rằng rất khó để thuyết phục chính quyền cho phép các cầu thủ này nhập cư.
Theo Brexit, các điều luật này cũng sẽ được áp dụng đối với các công dân thuộc EU, đồng nghĩa với việc làm giảm đáng kể số lượng các cầu thủ châu Âu gia nhập các CLB thuộc Vương quốc Anh, trừ khi vấn đề được giải quyết trong các cuộc đàm phán Brexit.
“Đơn giản chỉ cần áp dụng các quy tắc hiện hành đối với các cầu thủ châu Âu vào bóng đá Anh thì chắc chắn sẽ làm giảm đáng kể chất lượng của Premier League và làm mất đi sự hấp dẫn của giải đấu đối với người hâm mộ tại Anh cũng như trên toàn cầu”, Ban tổ chức giải đấu bày tỏ sự lo ngại.