Cần tính toán hợp lý lực lượng dự giải trong tương lai
Kỳ đại hội thể thao trong nhà và võ thuật lần thứ 5 đánh dấu bước mở rộng về quy mô khi lần đầu tiên các quốc gia thuộc châu Đại Dương tham gia tranh tài. Số lượng môn thi đấu tại kỳ đại hội này được tăng lên con số 21 so với 12 tại AIMAG 4 (Incheon, Hàn Quốc) cách đây bốn năm.
Điểm đáng chú ý của giải năm nay này là ban tổ chức đưa vào thi đấu nhiều môn hay nội dung võ - vật, vốn là thế mạnh của các quốc gia Trung Á, với số lượng lớn huy chương đã dẫn tới sự mất cân bằng về thành tích. Ngoài ra, các nội dung không thi đấu tại Olympic được tổ chức ở điều kiện trong nhà cũng đem tới ít nhiều khó khăn cho các vận động viên (VĐV).
Đoàn TTVN dự giải với khá nhiều bất lợi khi phải di chuyển quãng đường dài và không có nhiều thời gian chuẩn bị. Bên cạnh đó, thành phần chủ lực ở nhiều đội tuyển của chúng ta vừa góp mặt tại SEA Games 29 nên để duy trì được phong độ cũng như thể lực là điều rất khó. Chính vì những yếu tố đó mà thành tích 13 HCV, tám HCB và 19 HCĐ của đoàn Việt Nam là rất đáng khích lệ.
Cờ vua là đội tuyển thi đấu thành công nhất của TTVN tại AIMAG 5 với ba HCV, một HCB và hai HCĐ. Trong đó, kỳ thủ Lê Quang Liêm góp công lớn với tấm HCV cá nhân ở nội dung cờ tiêu chuẩn và hai tấm HCV nội dung đồng đội cờ nhanh và cờ chớp cùng Nguyễn Ngọc Trường Sơn. Trên đường đua xanh, Nguyễn Thị Ánh Viên cũng xuất sắc mang về hai HCV và một HCB, phá hai kỷ lục châu Á nội dung 100 m và 200 m hỗn hợp cá nhân.
Ngoài ra, đoàn Việt Nam còn ghi nhận những tấm HCV của Nguyễn Tiến Trọng (điền kinh), Trần Thị Thanh Thuỷ (kurash), Bùi Yến Ly (muay), Thạch Kim Tuấn và Trịnh Văn Vinh (cử tạ), Nguyễn Quốc Nguyện (carom ba băng), cặp đôi Trung Kiên - Hồng Anh (Khiêu vũ thể thao) và đội tuyển taekwondo nữ.
13 tấm HCV giành được vượt khá xa chỉ tiêu 5-7 HCV mà ngành thể thao đặt ra ban đầu, thể hiện sự cố gắng, nỗ lực và quyết tâm cao của các VĐV Việt Nam. Xét trên bình diện khu vực Đông - Nam Á, ngoài Singapore, Malaysia hay Indonesia thi đấu không thành công, chỉ có Thái-lan cùng Việt Nam lọt vào nhóm 10 toàn đoàn (đoàn thể thao “xứ Chùa Vàng” xếp thứ 6 với 21 HCV, 20 HCB và 29 HCĐ)
Tuy nhiên, theo ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục – Thể thao (TDTT), Trưởng đoàn TTVN tại AIMAG 5, kết quả này dù rất đáng ghi nhận nhưng lại chưa hoàn toàn đánh giá được hết năng lực thực chất của các VĐV của chúng ta. Bởi lẽ một số cường quốc thể thao châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc không đem tới đại hội thành phần mạnh nhất mà lực lượng chủ yếu gồm nhiều VĐV trẻ với mục tiêu tạo cơ hội cọ xát, tích luỹ kinh nghiệm cho lực lượng kế cận trong tương lai gần.
Đây là bước đi đáng để TTVN học hỏi, tuy nhiên, vẫn cần duy trì song song mục tiêu cạnh tranh về thành tích. Ông Trần Đức Phấn nhận định, nhiều nội dung không có các đối thủ mạnh thì cũng không thể đạt mục tiêu cọ xát cho các VĐV trong quá trình chuẩn bị cho Asiad, SEA Games hay Olympic. Vậy nên cần có những sự tính toán sao cho việc tham dự đại hội đạt hiệu quả cao nhất về chuyên môn.
“Tôi cho rằng, về cơ bản nên ưu tiên cử đối tượng là những VĐV trẻ giỏi nhất ở các môn. Đan xen có thể là những VĐV chủ lực ở một số nội dung, nếu quá trình tham dự và chuyên môn phù hợp với công tác chuẩn bị cho các Đại hội lớn như Asiad hay Olympic”, Trưởng đoàn TTVN tại AIMAG 5 chia sẻ.
Theo kế hoạch, các thành viên cuối cùng của đoàn TTVN sẽ về nước trong sáng 29-9 tới. Sau khi trở về từ Turkmenistan, các VĐV sẽ gấp rút bước vào giai đoạn chuẩn bị cho Đại hội thể thao châu Á - Asiad 18 diễn ra tại Indonesia vào trung tuần tháng 8-2018.