Những đứa trẻ sinh con
Mùa mưa, đường trơn lẫn bùn nhão khiến lối về thôn Gò Răng, xã Sơn Thượng, huyện Sơn Hà cách trở chân người. Căn nhà cấp bốn có bậc thềm cao đóng kín cửa. Trong căn phòng 10m2, Đ.T. H. vừa ru con, vừa ngủ gật. Tay đẩy võng, H mệt mỏi với bụng bầu to sắp sinh.
Làm mẹ khi chưa lớn
Sinh năm 2006, chạm tuổi 17, H đã làm mẹ và chuẩn bị đón thêm con khi bụng bầu gần 7 tháng. Cha mẹ đi hái cà-phê ở Gia Lai, H ở nhà trông con, chờ sinh và chăm sóc cả em gái chưa đầy 10 tuổi.
H kể, nhiều năm làm rẫy, làm thuê tích góp được ít tiền, ba mẹ H vay thêm xây căn nhà cấp bốn khá kiên cố. Để trả nợ ngân hàng, ba mẹ H đi làm keo thuê, hái cà-phê ở các tỉnh miền trung, Tây Nguyên theo vụ mùa.
Vừa học lớp 9, vừa chăm sóc em, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn khiến H nản lòng. Không có người lớn bên cạnh, H yêu đương rồi mang thai khi nào không hay biết. “Ba mẹ đi làm xa để kiếm tiền trả nợ, đồ dùng học tập cháu không đầy đủ nên chán nản rồi nghỉ học. Cháu gặp chồng rồi ưng nhau”, H ngậm ngùi.
17 tuổi H đã có con và chuẩn bị "vượt cạn" lần thứ hai. |
Tiếp bước cha mẹ, chồng H đi hái cà-phê, khai thác keo thuê các tỉnh miền trung, Tây Nguyên. Hai tháng qua, chồng H chuyển việc làm ở khu công nghiệp trong tỉnh, đi về gần nhà để lo cho H sinh nở. “Cháu tự chăm con đầu và mang bầu tự lo, chồng đi kiếm tiền. Một tháng ba mẹ chồng gửi 1,5 triệu nuôi cháu”, H nói thêm.
Miền núi Quảng Ngãi đang vào mùa mưa, tiếng ru con của Đ.T.H lẫn trong tiếng mưa rừng. Khi bạn bè cùng trang lứa học tập, vui đùa, thì H bận lo cho con 15 tháng tuổi và chờ sinh. Giọng nói trong trẻo, thơ ngây của cô gái 17 tuổi có lẽ đã không còn từ hai năm trước.
Cách nhà Đ.T. H vài trăm mét là nhà của Đ.T.M.D. Bụng bầu hơn sáu tháng khiến D mệt mỏi, hơi thở dốc. Ngồi bên hiên nhà với mẹ, D ngây thơ, xinh xắn cùng đôi mắt sáng trong của cô gái chưa tròn 17 tuổi. Đang học lớp 10, D có bầu phải bỏ học. Cha D tiếp tục làm thợ xây ở các tỉnh lân cận, mẹ ở nhà chăm sóc cho D. Vóc dáng nhỏ con, nguy cơ suy dinh dưỡng, bụng bầu to hơn cơ thể khiến D đuối sức. D chưa hiểu những thay đổi của cơ thể, chưa cảm nhận được thiên chức làm mẹ và cũng không biết cuộc sống của mình sẽ ra sao trong những ngày đến.
“Chồng con đi làm thợ hồ với ba của con ở các huyện, tỉnh lân cận. Có mẹ chăm sóc nhưng con cũng sợ. Con lo nhất là sinh khó, sẽ nguy hiểm”, D lo lắng. Các cô ở Trạm y tế xã đến thăm, mang thuốc và hướng dẫn D về thai kỳ. Cả D và mẹ bối rối, ngượng ngùng cho dù cả hai đều sắp làm bà, làm mẹ.
Giữa trưa, một chiếc xe máy chạy thẳng vào sảnh khu cấp cứu của Trung tâm y tế huyện Trà Bồng - Cơ sở 2, ở xã Trà Phong, huyện Trà Bồng. Một cô bé nhỏ con chậm chạp bước xuống xe. Từ khi sáp nhập huyện Tây Trà vào huyện Trà Bồng, cơ sở y tế này cũng xuống cấp, ẩm thấp hơn. Trên sân đầy rêu xanh, Hồ T.Q đi chậm lo sợ trơn trợt. Người thấp nhỏ, suy dinh dưỡng, Q nặng nề mang bụng bầu đi vào khoa sản. Cô y tá hướng dẫn Q cân, đo kiểm tra sức khỏe ban đầu. Q run rẩy, lo lắng trong ánh mắt sợ sệt.
“37 ký, cao 1,37m, sắp sinh rồi. Cháu phải ở lại đây để theo dõi”, giọng cô y tá dứt khoát khiến Q cúi mặt.
Chưa đầy 17 tuổi, Q đã mang thai và vài ngày nữa sẽ sinh con. Không có người lớn ở nhà, chị gái đưa Q đến Trung tâm y tế để chờ sinh. “Ba mẹ cháu chưa đi kịp vì lo tiền rồi mới đến. Chị gái cháu chở đi trước”, Q nói ngập ngừng. Lọt thỏm trên chiếc giường, Q co ro trong chiếc áo khoác mỏng. Khuôn mặt ngây thơ không che giấu được ánh mắt ngơ ngác, mặc cảm của bé gái đang bước qua ngưỡng cuộc đời mà phía trước đầy cơ cực.
Q được nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe khi nhập viện chờ sinh. |
Những bà mẹ “tí hon”
Những ngày cuối tháng 11, Khoa sản của Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Quảng Ngãi có đông phụ nữ sinh con. Ở các dãy phòng hậu sản có một căn phòng đặc biệt - nơi có bốn bé gái vừa sinh con mấy ngày tuổi. Cùng 16 tuổi, Đinh T.P và Đinh T.T nhà ở huyện Sơn Hà, Đinh T.M.C ở huyện Sơn Tây đều nhập viện mổ lấy thai, cấp cứu. Và Hồ T.T mới 13 tuổi, ở xã Trà Phong, huyện Trà Bồng vượt quãng đường gần 90 cây số cấp cứu lấy thai.
Chiếc giường ở cuối phòng thấp thoáng bóng dáng nhỏ nhắn một trai, một gái. Cả hai “bố mẹ tí hon” vừa đón bé con đầu lòng. Chỉ mới 13 tuổi, Hồ T.T được các y bác sĩ cấp cứu kịp thời để vượt cửa tử sinh con.
Nằm bên cạnh bé sơ sinh, T loay hoay không biết bồng con, không biết cho con bú sữa như thế nào. Cô bé tuổi mới 13 còn chưa đủ lớn, chưa lo được cho mình thì nay “gánh” thêm một bé con vừa chào đời. Khuôn mặt nhỏ, ngây thơ của cô bé chưa hết tuổi dậy thì, T nhìn con và không biết bắt đầu từ đâu.
Ngồi bên cạnh là H, chồng T. Cách nhau hai tuổi, H cũng nhỏ con với vẻ mặt non nớt của cậu trai chưa thành niên. Không có người lớn bên cạnh, “ông bố, bà mẹ trẻ con” cùng loay hoay nhìn nhau, rồi nhìn con trong ánh mắt lo âu lẫn nỗi sợ sệt.
“Bác sĩ bảo cháu ở vài bữa rồi về. Hôm trước nhập viện cháu sợ. Ba má cháu không có tiền nên phải mượn đỡ chủ tạp hóa 3 triệu ứng tiền viện phí trước”, T nói lí nhí.
T nhập viện cấp cứu sinh con. |
Giường bên cạnh là Đinh T.P, 16 tuổi, nhà ở huyện Sơn Hà. P may mắn hơn khi có mẹ ruột chăm sóc những ngày sinh con, nằm viện. Mang thai khi mới 16 tuổi, P nhập viện cấp cứu mổ lấy thai và may mắn an toàn. Lần đầu làm mẹ, P và chồng không biết bồng con, không tự cho con uống sữa. Mẹ P thức trắng đêm chăm cho con lẫn cháu. Từ huyện miền núi xuống bệnh viện tỉnh sinh con, những ngày nằm viện, P lặng thinh. Nụ cười không còn nữa, P chỉ muốn sớm về nhà.
Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Quảng Ngãi liên tục tiếp nhận các bé gái từ 13 đến 17 tuổi mang thai đến cấp cứu và sinh con. Có nhiều ngày, các y bác sĩ tiếp nhận 2-3 ca sinh khó khi bé gái mang thai 13 đến 15 tuổi.
Nhắc đến chuyện bé gái sinh con, nhiều bác sĩ Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn ám ảnh. Các y, bác sĩ khoa Sản còn nhớ chuyện của Đ. T. T ở xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà. 23 giờ đêm một ngày cuối tháng 2/2024, T nhập viện cấp cứu trong tình trạng thủng tử cung, thủng ruột non và thai 15 tuần ngưng phát triển. Chỉ mới 13 tuổi, T đã mang thai nhưng không hay biết, cho đến khi thai lớn và không thể che giấu. Lo sợ, T phá thai “chui” tại cơ sở y tế trên địa bàn huyện. Ca phẫu thuật “chui” khiến T bị thủng tử cung, thủng ruột non và nguy hiểm tính mạng. Nhập viện Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Quảng Ngãi trong tình trạng nguy kịch, các bác sĩ đã cứu sống T. Sau khi lấy thai, T tiếp tục điều trị hồi sức tích cực trong thời gian dài.
“Bé con chỉ 13 tuổi mà đi phá thai thì rủi ro cho tính mạng. Chứng kiến vậy chúng tôi thấy đau lòng, nỗi ám ảnh với những chuyện xót xa như thế”, một bác sĩ Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Quảng Ngãi ngậm ngùi.
“La rầy thì các con cũng cười trừ thôi”
Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi, từ năm 2023 đến nay, tại 5 huyện miền núi có 383 trẻ em từ 13 đến 16 tuổi mang thai, sinh con. Trong đó, huyện Ba Tơ 175 trường hợp, Sơn Hà 87 trẻ em, Sơn Tây 56 trẻ em, Trà Bồng 45 trẻ em và Minh Long 20 trẻ em mang thai, sinh con. Tại tỉnh Quảng Ngãi, tỷ lệ bé gái từ 14 đến 16 tuổi mang thai chiếm 35% trong tổng số trẻ vị thành niên mang thai.
Theo khảo sát ban đầu, tại các huyện có nhiều trẻ em dưới 16 tuổi mang thai, hầu hết các xã đều xảy ra tình trạng trẻ em bị xâm hại, mang thai khi chưa đủ tuổi vị thành niên.
Thống kê tại Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Quảng Ngãi, từ tháng 2/2024 đến tháng 10/2024, có 32 bé gái dưới 16 tuổi nhập viện sinh con, xảy ra các biến chứng trong kỳ mang thai.
Bác sĩ Chuyên khoa II Lê Cao Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Quảng Ngãi cho biết, ngày nào bệnh viện cũng có 1, 2 ca tuổi vị thành niên sinh đẻ, đặc biệt có nhiều ca 13, 14 tuổi. Đối với trẻ vị thành niên, nhất là dưới 16 tuổi người mẹ chưa đủ điều kiện mang thai, làm mẹ và nuôi dưỡng em bé.
“Ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, sức khỏe đối với bé gái. Các cơ quan cơ thể chưa hoàn thiện, tử cung, tầng sinh môn chưa đủ lớn, tuyến sữa chưa bảo đảm nuôi dưỡng em bé. Nhiều trường hợp không tư vấn tiền hôn nhân, không kiểm tra sức khỏe, thai sản giấu nên khi xảy ra vấn đề nghiêm trọng khó lường”, Bác sĩ Lê Cao Tuấn chia sẻ.
Làm cha, mẹ khi còn quá nhỏ, những "bố mẹ tí hon" khó khăn khi chăm sóc trẻ sơ sinh. |
Trẻ em vị thành niên mang thai, sinh con để lại hệ lụy dai dẳng cho nhiều thế hệ. Đặc biệt, bé gái 13 đến 16 tuổi mang thai, sinh con ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bà mẹ lẫn trẻ sơ sinh, làm tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi ở miền núi. Đồng thời, ảnh hưởng đến tầm vóc, thể lực của thế hệ mai sau.
Theo Bác sĩ Đinh Xuân Đệ, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Sơn Hà, đa phần các cháu này quá trình sinh nở đều có những biến chứng và nhiều ca phải chuyển bệnh viện tuyến tỉnh tiếp tục theo dõi, vì trung tâm y tế không đủ máy móc, thiết bị để chăm sóc mẹ và bé. “Nhiều bé gái đến sinh con nhưng được bạn chở đi, chứ không có người lớn. Không tiền bạc, không người thân, nên các bác sĩ phải đứng ra chăm sóc”, bác sĩ Đinh Xuân Đệ ngậm ngùi.
"Xã tôi năm ngoái có 25 cháu tuổi vị thành niên mang thai và sinh con. Năm nay có 22 cháu. Tôi làm y tế cơ sở hiểu rõ đây là gánh nặng của ngành. Nhưng những gì có thể làm đã làm rồi, buồn một nỗi mình tuyên truyền, dặn dò hoài vẫn không chặn được", một cán bộ y tế xã xót xa.
Tình trạng trẻ em gái mang thai, sinh con tăng đột biến trong hai năm qua tại tỉnh Quảng Ngãi. Không chỉ làm gánh nặng cho ngành y tế vì rủi ro tai biến sản nhiều hơn, mà còn kéo theo ảnh hưởng nhiều thế hệ khi quá trình chăm sóc, điều trị cho bà mẹ và trẻ em không bảo đảm điều kiện an toàn.
“Nhiều trường hợp bé gái sinh đẻ tại nhà vì sợ trách nhiệm pháp luật. Rồi đến khi không đẻ được chạy đến trung tâm y tế huyện thì nguy hiểm tính mạng cả mẹ lẫn con”, một bác sĩ trung tâm y tế huyện miền núi nghẹn ngào.
Trưởng trạm y tế xã Sơn Thượng, huyện Sơn Hà Hồ Thị Phúc cho biết, trạm y tế thường xuyên vận động, tuyên truyền, nhắc nhở nhưng vẫn xảy ra tình trạng các bé gái tuổi vị thành niên mang thai. “Các cháu chưa hiểu biết việc làm mẹ nên trạm phải cử cán bộ nắm và xuống tận nhà dặn dò đi tiêm chủng, uống thuốc bổ… từ khi thai kỳ cho đến khi có con nhỏ. Mình la rầy thì các con cũng cười trừ thôi. Vất vả cả đời khi còn nhỏ”, chị Phúc chia sẻ.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Tơ Lữ Đình Tích cho biết, chính quyền địa phương tổ chức vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, phòng chống nạn tảo hôn, giáo dục sức khỏe nhưng tình trạng trẻ em gái mang thai, sinh con vẫn tăng cao. “Trong thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường các biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, học sinh trên địa bàn huyện. Đồng thời, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nâng cao đời sống người dân, hạn chế tình trạng người dân đi làm ăn xa ảnh hưởng đến an ninh trật tự và phát sinh nhiều vấn đề khác”.
“Để giảm vấn nạn này, chúng tôi gắn nhiệm vụ về việc giảm tình trạng trẻ em gái sinh con sớm đối với cấp xã, phòng ban chức năng bằng các biện pháp cụ thể. Trong đó tập trung công tác tuyên truyền, nhất là trường học không để tình trạng này tăng cao”, đại diện lãnh đạo huyện Sơn Hà bày tỏ.
“Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng rà soát, thống kê số lượng và yêu cầu chính quyền địa phương cơ sở nhanh chóng triển khai các biện pháp ngăn chặn tình trạng này”, đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cho biết.