Du lịch Việt Nam 8 tháng đầu năm 2023 dù tăng cao song chưa đạt thời điểm trước dịch Covid-19
Du lịch Việt Nam 8 tháng đầu năm 2023 dù tăng cao song chưa đạt thời điểm trước dịch Covid-19
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đã quy định một số nội dung liên quan đến việc nâng thời hạn thị thực điện tử. Luật có hiệu lực thi hành từ 15/8/2023 được cho là sẽ góp phần tạo thuận lợi, nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng cánh cửa thu hút khách quốc tế, phát triển du lịch Việt Nam.
Ngành du lịch Việt Nam đang có nhiều tín hiệu tốt về phục hồi sau thời gian trầm lắng do đại dịch Covid-19, khiến các hoạt động kinh tế liên quan đến du lịch cũng trở nên sôi động và đạt được mức tăng khá cao. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, 8 tháng đầu năm 2023, vận chuyển hành khách tăng 14,4% và luân chuyển tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 15,1% và luân chuyển tăng 13,4%.
Trong 8 tháng năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 7,8 triệu lượt người, tăng 543,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng số hơn 7,8 triệu lượt khách quốc tế, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 6,9 triệu lượt người, chiếm 87,6% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 5,4 lần cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt 909,7 nghìn lượt người, chiếm 11,6% và gấp 5,4 lần; bằng đường biển đạt 59,7 nghìn lượt người, chiếm 0,8% và gấp 154,2 lần.
Ngành du lịch Việt Nam đang có nhiều tín hiệu tốt về phục hồi sau thời gian trầm lắng do đại dịch Covid-19, khiến các hoạt động kinh tế liên quan đến du lịch cũng trở nên sôi động và đạt được mức tăng khá cao. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, 8 tháng đầu năm 2023, vận chuyển hành khách tăng 14,4% và luân chuyển tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 15,1% và luân chuyển tăng 13,4%.
Trong 8 tháng năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 7,8 triệu lượt người, tăng 543,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng số hơn 7,8 triệu lượt khách quốc tế, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 6,9 triệu lượt người, chiếm 87,6% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 5,4 lần cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt 909,7 nghìn lượt người, chiếm 11,6% và gấp 5,4 lần; bằng đường biển đạt 59,7 nghìn lượt người, chiếm 0,8% và gấp 154,2 lần.
Quy định kéo dài thời hạn thị thực được kỳ vọng sẽ góp phần tạo thuận lợi cho du lịch Việt Nam bứt tốc
Tháng Tám hàng năm thông thường là tháng cao điểm của mùa du lịch hè nên hoạt động thương mại dịch vụ sôi động, doanh thu các ngành đều tăng khá, đóng góp đáng kể vào mức tăng chung 8 tháng đầu năm, đặc biệt là doanh thu du lịch lữ hành. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tám ước đạt 515,4 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.043,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 19,2%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,7% (cùng kỳ năm 2022 tăng 15,1%).
Trong 8 tháng năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 436,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,8% tổng mức và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu 8 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như sau: Đà Nẵng tăng 40,3%; Cần Thơ tăng 27,2%; Đồng Nai tăng 23,6%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 23,4%; Quảng Ninh tăng 21,8%; Hải Phòng tăng 14,4%; Hà Nội tăng 11,9%. Đồng thời, doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng năm 2023 ước đạt 22,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng mức và tăng 47% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu du lịch tăng cao trong mùa cao điểm và các địa phương cũng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm kích cầu du dịch sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Doanh thu 8 tháng năm 2023 của một số địa phương so với cùng kỳ năm trước như sau: Đà Nẵng tăng 97,5%; Khánh Hòa tăng 93,4%; Thành phố Hồ Chí Minh và Quảng Ninh cùng tăng 57,6%; Hải Phòng tăng 57%; Hà Nội tăng 45,9%; Bình Thuận tăng 40,2%; Cần Thơ tăng 15,6%; Lâm Đồng tăng 11,5%.
Hoạt động du lịch tuy sôi động, nhưng ở góc nhìn khác vẫn còn nhiều thách thức không nhỏ, nhất là khi ngành Du lịch Việt Nam vẫn chưa lấy lại được phong độ như trước khi dịch xảy ra, số lượng du khách quốc tế còn hạn chế. Theo phân tích và đánh giá của Forwardkey, trong số 100 quốc gia và điểm đến trên thế giới, Việt Nam cùng với Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand và Thái Lan là những nước phục hồi chậm nhất về lượng khách quốc tế.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, lượng khách quốc tến đến Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2023 gấp 5,4 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 69,2% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Trong khi Việt Nam có nhiều thế mạnh du lịch như nhiều phong cảnh đẹp, văn hóa độc đáo, chi phí rẻ, an ninh, an toàn và thân thiện... song nhiều du khách quốc tế đã chọn nước bạn là điểm đến thay vì Việt Nam. Lý giải cho điều này, một số đơn vị lữ hành cho biết, du khách quốc tế tỏ tâm lý e ngại về vấn đề đến thị thực nhập cảnh (visa) của Việt Nam. Với việc làm visa điện tử (E-visa) hiện nay, dù tiện lợi nhưng vẫn còn rườm rà, nặng tính thủ tục. Các chuyên gia cho rằng, chính sách thị thực với nhiều rào cản cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến Việt Nam không đạt được mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022.
Trước tình hình đó, Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp linh động nhằm kích cầu phát triển ngành Du lịch, thu hút khách quốc tế đến với Việt Nam. Trong đó, thị thực nhập cảnh được cho là một trong những chính sách của Chính phủ có tác động lớn nhất đến lượng khách quốc tế. Nói cách khác, để thu hút khách quốc tế cần rất nhiều yếu tố nhưng chính sách visa là một phần quan trọng tạo nên sức hút của điểm đến.
Ngày 24/6/2023 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, kể từ khi Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023, thời hạn thị thực điện tử của khách quốc tế tại Việt Nam được kéo dài từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần. Song song với đó, thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực được nâng từ 15 ngày lên 45 ngày.
Việc nâng thời hạn thị thực điện tử lên đến 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế mong muốn được lưu lại lâu ngày tại Việt Nam. Bên cạnh đó, việc nâng thời hạn thị thực còn tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài muốn vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, tìm kiếm, xúc tiến đầu tư, nhất là các trường hợp có nhu cầu đi đến nhiều nước trong khu vực và quay lại Việt Nam để đánh giá, so sánh về khả năng mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Song song với đó, việc nâng thời hạn đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày là đạt mức trung bình trong khu vực, qua đó, sẽ nâng cao tính cạnh tranh trong khu vực của Việt Nam trong thu hút du khách; tạo thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch quốc tế.
Với việc Luật đi vào thực thi, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã gấp rút làm tour dài ngày để đón đầu chính sách mới. Các doanh nghiệp lữ hành cho biết, việc kéo dài thời hạn thị thực là điều mà doanh nghiệp cũng như du khách đã chờ đợi trong nhiều năm qua. Đây cũng chính là tiền đề để Việt Nam thu hút dòng khách châu Âu cao cấp như Pháp, Đức, Hà Lan, Ba Lan, Tây Ban Nha, Italy… vốn đều là nhóm khách có thói quen du lịch dài ngày. Đồng thời, việc du khách ở lại lâu sẽ cần tăng chi tiêu, qua đó góp phần tăng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng.
Ngoài ra, ngành du lịch Việt Nam cần gia tăng sức thu hút đối với du khách quốc tế thông qua việc triển khai các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh; mở rộng liên kết với các nước trong khu vực; tạo điều kiện thuận lợi đi lại đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt nâng cấp sản phẩm và dịch vụ du lịch… qua đó, giúp ngành Du lịch Việt Nam từng bước phục hồi, phát triển toàn diện đúng như kỳ vọng trở thành ngành “công nghiệp không khói” mũi nhọn./.
Thu Hiền
.