Tận dụng lợi thế EVFTA đem lại hiệu quả tích cực
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) (EVFTA) là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Hiệp đinh này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, sau 4 năm đi vào thực thi, đã và đang đem lại kết quả tích cực với nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam mở rộng thị trường vào các nước thành viên EU.
Từ khóa: EVFTA, doanh nghiệp, thương mại, xuất khẩu, thị trường...
Tận dụng lợi thế EVFTA đem lại hiệu quả tích cực
Việt Nam và EU có mối quan hệ hợp tác và phát triển lâu dài, việc ký kết Hiệp định EVFTA đã mở ra giai đoạn mới đầy triển vọng trong mối quan hệ đối tác toàn diện đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn.
Hiệp định này được ký kết với các cam kết bao trùm nhiều lĩnh vực, mức độ tự do hóa mạnh và mức cam kết cao hơn phần lớn các FTA mà Việt Nam tham gia. Hiệp định EVFTA được ví như con đường cao tốc quan trọng kết nối trực tiếp nền kinh tế Việt Nam với 27 nền kinh tế EU.
Sau 4 năm thực thi, Hiệp định EVFTA đem lại hiệu quả tích cực. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng gần 50%, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại hàng đầu của EU trong số các nước ASEAN. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ EU cũng tăng hơn 40%.
Theo Tổng cục Hải quan, nửa đầu năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang đa số các thị trường chủ lực trong EU đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Hà Lan là thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn, đạt hơn 6,14 tỷ USD, chiếm 24,88% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU, tăng 27,12% so với cùng kỳ năm 2023. Tiếp theo là thị trường Đức đạt gần 3,82 tỷ USD, chiếm 15,46%, tăng 3,27%; Thị trường Italia đạt gần 2,53 tỷ USD, chiếm 10,23%, tăng 9,23%…
Nhiều mặt hàng quan trọng của Việt Nam xuất khẩu sang EU đã tận dụng được cơ hội từ Hiệp định EVFTA mang lại. Đơn cử, mặt hàng gạo Việt Nam xuất khẩu sang EU tuy chưa nhiều nhưng nhờ ưu đãi thuế quan từ EVFTA, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn so với gạo của các thị trường khác. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gạo sang khu vực châu Âu trong quý I/2024 đạt 45,9 nghìn tấn với giá trị đạt 41,4 triệu USD, tăng 117,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ghi nhận lượng gạo xuất khẩu sang Pháp tăng đột biến, đạt 18,2 nghìn tấn với giá trị đạt 19,1 triệu USD, tăng 180 lần so với cùng kỳ năm 2023. Các thị trường nhập khẩu gạo chính tại khu vực châu Âu, gồm: Pháp (19,1 triệu USD, tỷ trọng 46,1%); Đức (4 triệu USD, tỷ trọng 9,7%); Hà Lan (3,2 triệu USD, tỷ trọng 7,7%); Ba Lan (2,2 triệu USD, tỷ trọng 5,3%); Anh (2,2 triệu USD, tỷ tọng 5,3%); Nga (1,9 triệu USD, tỷ trọng 4,6%); Séc (1,6 triệu USD, tỷ trọng 3,9%).
Đối với mặt hàng rau quả xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt đã tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường chủ lực, đưa EU trở thành thị trường xuất khẩu rau, quả lớn thứ 3 của Việt Nam. Năm 2023, xuất khẩu rau, quả sang EU tăng 30% so với năm 2022 và dự báo năm 2024 xuất khẩu rau, quả sang thị trường này tiếp tục tăng trưởng, ước đạt hơn 300 triệu USD. Ngoài ra, mặt hàng cà phê Việt Nam cũng đang được hưởng lợi lớn từ các FTA, trong đó có Hiệp định EVFTA. Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), năm 2023, EU đã chi khoảng 1,66 tỷ USD mua cà phê từ các nhà cung ứng Việt Nam. EVFTA đã giúp ngành cà phê Việt Nam gia tăng giá trị và tiếp tục mở rộng thị phần.
Thực thi Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng quan tâm hơn đến việc chứng minh xuất xứ hàng hóa và Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), từ đó tạo ra cơ hội hơn cho doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu tận dụng được các ưu đãi thuế quan theo các thỏa thuận thương mại từ Hiệp định EVFTA. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2023, tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 là 35,2% kim ngạch xuất khẩu, tương đương kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O là 15,4 tỷ USD, tăng 26,1% so với năm 2022. Một số nhóm hàng có tỷ lệ sử dụng ưu đãi C/O mẫu EUR.1 rất tốt như: Thủy sản (89,2%), rau, quả (88,3%), gạo (tận dụng hết hạn ngạch 80.000 tấn gạo EU dành cho Việt Nam hàng năm). Giày dép - một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU với kim ngạch xuất khẩu 4,8 tỷ USD, có tỷ lệ cấp C/O ưu đãi EUR.1 lên tới gần 100%.
Việc tận dụng cơ hội được tạo ra từ Hiệp định EVFTA đã và đang góp phần củng cố vị thế của Việt Nam, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi và thúc đẩy đầu tư trực tiếp của EU và các nước khác vào Việt Nam ngày càng tăng. Đến nay, EU đã đầu tư vào Việt Nam 28 tỷ Euro với 2.450 dự án và đứng thứ 6 trong số các nhà đầu tư.
Không chỉ mang lại giá trị thương mại cho doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu, việc thực thi Hiệp định EVFTA thời gian qua còn đem đến cho người tiêu dùng trong nước các cơ hội tiếp cận với nhiều sản phẩm hàng hóa đa dạng và chất lượng cao từ EU với giá thành hợp lý hơn, do thuế nhập khẩu nhiều sản phẩm từ EU vào Việt Nam theo cam kết của Hiệp định EVFTA đang giảm theo lộ trình đến 0%.
Bên cạnh đó, các ngành hàng của Việt Nam có lợi thế xuất khẩu sang EU như: Dệt may, da giày và lĩnh vực vận chuyển cũng đem đến cơ hội tạo ra nhiều việc làm mới và tăng thu nhập cho người lao động. Người lao động cũng được tiếp cận và nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng các yêu cầu mới từ Hiệp định EVFTA. Đồng thời, thông qua Hiệp định EVFTA, các nhà cung ứng Việt Nam được nhiều nhà nhập khẩu EU biết tới hơn.
Có thể thấy, sau 4 năm thực thi Hiệp định EVFTA, những lợi ích chính từ EVFTA mang lại như: Giảm thuế quan, tăng khả năng cạnh tranh và mở rộng khả năng tiếp cận thị trường đang tạo ra lợi ích đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam, trở thành động lực gia tăng xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU. Hiện dư địa phát triển cho hai bên còn nhiều, nếu tận dụng tốt cơ hội từ Hiệp định EVFTA mang lại, hai bên sẽ đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới.
Tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng lợi thế EVFTA
Để tận dụng cơ hội và dư địa từ Hiệp định EVFTA, Bộ Công Thương xác định, tiếp tục khai thác hiệu quả Hiệp định EVFTA là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới. Theo đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các cơ quan quản lý chuyên ngành hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và tăng cường xúc tiến thương mại đến thị trường trọng điểm EU; phổ biến các cam kết và cách thức tận dụng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn nữa tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA mang lại. Theo đó, doanh nghiệp cần nắm bắt thông tin về thị trường thế giới, các tác động của kinh tế thế giới… giúp doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh và giao hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường EU.
Tiếp tục phát huy vai trò của Thương vụ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội, cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư trong việc hỗ trợ giúp doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu thị trường, nắm bắt thông tin về những quy định của các nước trong EU, từ đó giúp doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất và xuất khẩu hàng hóa phù hợp với xu hướng thị trường đem tới giá trị xuất khẩu cao nhất cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Thực hiện tốt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 theo Quyết định số 493/QĐ-TTg, ngày 19/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình đặt mục tiêu xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu cân đối, hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Về mục tiêu cụ thể, xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu mặt hàng, cơ cấu thị trường cân đối, hài hòa. Tăng tỷ trọng thị trường xuất khẩu khu vực châu Âu lên 16 - 17% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 18 - 19% vào năm 2030; Tăng tỷ trọng thị trường nhập khẩu từ khu vực châu Âu lên 8 - 9% tổng kim ngạch nhập khẩu vào năm 2025 và 10 - 11% vào năm 2030.
Chiến lược cũng đưa ra định hướng xuất, nhập khẩu hàng hóa và 6 giải pháp thực hiện Chiến lược, gồm: Phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu; Phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn; Hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý Nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại, chống gian lận thương mại và hướng tới thương mại công bằng; Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu, nâng cấp cơ sở hạ tầng kho vận, giảm chi phí logistics; Quản lý và kiểm soát nhập khẩu đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất trong nước và hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý; Nâng cao vai trò của Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp hạt nhân, thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị xuất khẩu quy mô lớn./.
Trang Nguyễn